Đức được xem là quốc gia khởi xướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với mục tiêu tạo ra những thay đổi căn bản trong chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm và dịch vụ toàn cầu.
Đã có nhiều nhà máy số được xây dựng, trong số đó nhà máy điện tử Amberg Siemens được xem là một trong những hình mẫu đầu tiên trên thế giới cho xu hướng này. Tại đây, máy móc và máy tính đã xử lý đến 75% các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm, con người chỉ chịu trách nhiệm khâu phát triển sản phẩm và khởi động quá trình.
Ở các nhà máy thông minh, máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định. Theo TS. Lê Đình Phong thuộc lĩnh vực robotics và tự động hóa (Khu Công nghệ cao TP.HCM), tính năng quan trọng nhất của nhà máy thông minh là sự kết nối.
Các máy móc thiết bị, cảm biến, robot, dữ liệu (từ các hoạt động và hệ thống kinh doanh cũng như từ các nhà cung cấp và khách hàng), nguồn nhân lực... kết nối với nhau, từ đó có thể thực hiện các quy trình thông minh và hiệu quả trong sản xuất. Với công nghệ mới, mọi hoạt động được tối ưu hóa, giảm sự can thiệp bằng tay với độ tin cậy cao, quy trình sản xuất được minh bạch từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, từ nhà máy đến chuỗi cung ứng, quá trình phân phối, trải nghiệm người dùng.
Với mạng lưới kết nối và tích hợp được xây dựng trên nền tảng ứng dụng các công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu, nhà máy thông minh tạo ra sự chủ động, lường trước các thách thức và nhờ vậy có thể cải thiện năng suất và đáp ứng tốt hơn trước biến động về nhà cung cấp cũng như những yêu cầu từ khách hàng.
Theo các chuyên gia, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc là những lĩnh vực có tính đa dạng về sản phẩm, có điều kiện thuận lợi để những nhà máy thông minh được ứng dụng và phát huy những đặc tính ưu việt của chúng. Tuy nhiên, hiện nay, nền công nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến toàn bộ.
Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường thuộc các thương hiệu lớn, hoặc có đầu tư từ nước ngoài.
Xu hướng đầu tư nhà máy thông minh mới manh nha tại Việt Nam, điển hình là tại Công ty Trường Hải (Thaco). Năm 2017, Thaco khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô Thaco Mazda với kinh phí lên đến 12.000 tỷ đồng tại Quảng Nam, và giai đoạn 1 của Thaco Mazda (khoảng 7.000 tỷ đồng) đã vận hành hồi tháng 3 vừa qua.
Copyright © 2015 by Lienminhco. All Rights Reserved.